Hiện tượng tê buốt tay chân xảy ra khá phổ biến, chưa kể đến tỷ lệ trẻ hóa ngày càng tăng cao. Tê buốt tay chân có rất nhiều nguyên nhân từ rất nhiều các bệnh lý khác nhau. Dưới đây là 1 số nguyên nhân thường gặp:
Thoái hóa cột sống- thoát vị đĩa đệm cột sống:
Đa phần các trường hợp bị tê buốt chân tay có liên quan tới các bệnh cột sống, do các rễ thần kinh từ cột sống cổ chi phối cảm giác, vận động của 2 tay. Các rễ thần kinh từ cột sống thắt lưng thì chi phối cảm giác vận động ở 2 chân, khi bị chèn ép sẽ gây ra hiện tượng đau hay tê buốt ở 2 tay, 2 chân có khi kèm teo yếu cơ.
Các trường hợp này thường uống thuốc sẽ không đỡ hoặc đỡ rất ít do chưa giải quyết được nguyên nhân chèn ép từ cột sống mà chỉ có thể hết các triệu chứng tê buốt nếu giải phóng chèn ép thần kinh bằng vật lý trị liệu hoặc phẫu thuật.
Hội chứng ống cổ tay:
Đây là hội chứng chèn ép dây thần kinh giữa ở cổ tay do xơ hóa dây chằng hay viêm nhiễm vùng cổ tay gây tê buốt nhiều ở bàn tay, các ngón 1, 2, 3, 4 của bàn tay, tê buốt thường tăng lên về đêm ngủ hay khi chạy xe nhiều.
Các trường hợp này thường được điều trị giải phóng chèn ép bằng vật lý trị liệu, hay phẫu thuật khi có teo cơ nặng, trường hợp nhẹ có thể hết nếu tiêm thuốc chống viêm vùng cổ tay.
Viêm đa khớp dạng thấp:
Các khớp tay, chân bị viêm sưng dẫn tới các triệu chứng đau nhức nhưng đôi khi cũng có kèm theo tê buốt tay chân. Các trường hợp viêm đa khớp dạng thấp hiện chưa có thuốc đặc trị, điều trị chủ yếu là nội khoa giảm đau, chống viêm kết hợp vật lý trị liệu phòng teo cơ cứng khớp.
Giãn tĩnh mạch:
Giãn tĩnh mạch làm cho chức năng bơm máu về của tĩnh mạch bị suy giảm dẫn tới tình trạng máu bị ứ trệ xuất hiện sưng nề hay tê bì 2 chân. Giãn tĩnh mạch điều trị chính bằng nội khoa kết hợp tập luyện theo hướng dẫn của bác sỹ vật lý trị liệu.
Viêm đa rễ thần kinh: bệnh lý tổn thương hệ thần kinh ngoại biên gây tê bì tay chân, yếu liệt vận động. Bệnh điều trị sớm bằng nội khoa kết hợp tập phục hồi chức năng thường phục hồi tốt sau 6 tháng -1 năm điều trị.
Rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, rối loạn chức năng tuyến giáp cũng gây tê buốt tay chân.
Ngoài ra còn những nguyên nhân khác như:
Làm việc sinh hoạt sai tư thế dẫn tới bị chèn ép dây thần kinh
Chấn thương, Stress, căng thẳng, thay đổi thời tiết đột ngột, tác dụng phụ của thuốc…
Tê buốt tay chân có rất nhiều nguyên nhân nên việc điều trị cũng phải phụ thuộc vào nguyên nhân bệnh lý gây ra, do vậy tốt nhất người bệnh nên đi khám để có phương pháp điều trị phù hợp nhất. Nếu tê buốt tay chân chỉ do những bệnh lý cơ học như thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm…thì điều trị hiệu quả bằng phương pháp vật lý trị liệu .